Hôm nay mình xin chia sẻ kinh nghiệm của một người bạn của mình (Nhung Nguyễn) hiện đang tham gia chương trình Aupair ở Áo để các bạn có cái nhìn cụ thể hơn về Aupair.
Mục lục
Chương trình Aupair là gì?
Aupair là tên một chương trình giao lưu văn hóa quốc tế, trong đó người tham gia sẽ đến một nước khác và được sống cùng với một gia đình bản xứ trong một năm, tham gia học ngôn ngữ mới, khám phá đất nước mới, được cấp sinh hoạt phí, tiền vé bus, bảo hiểm… đổi lại họ dành thời gian để chăm sóc, vui chơi cùng trẻ em trong gia đình bản xứ đó.
Hoặc còn một cách hiểu khác, từ góc nhìn khác trực tiếp hơn, thực tế hơn: Làm Aupair là một công việc chăm sóc trẻ em (và làm một ít việc nhà nhẹ nhàng*) ở một gia đình chủ (host/gast) ở nước ngoài, cung cấp cơ hội trải nghiệm cuộc sống hàng ngày và ngôn ngữ bản xứ. Đây là một quá trình mà bạn phải chuẩn bị tinh thần hòa mình vào cuộc sống ở đó, “đến như một người xa lạ, đi như một thành viên trong gia đình”.
Tùy theo mỗi nước mà quy định cụ thể về độ tuổi tham gia Aupair, mức sinh hoạt phí, thời gian làm việc, nghỉ phép… dành cho Aupair sẽ khác nhau. Tất cả sẽ có quy định trong hợp đồng (dù đôi khi ra làm thiệt thì hơi khác hợp đồng xíu nhưng khi làm hợp đồng thì nhớ nói rõ hết mọi chi tiết).
Quy định về tiền tiêu vặt tối thiểu Aupair được nhận ở một số nước cũng khác nhau:
- Đức: 260 Euro
- Áo: 483.5 Euro
- Pháp: 320 Euro
- Tây Ban Nha: 200 Euro
Đây là mức tối thiểu theo quy định, khi mình thỏa thuận, làm hợp đồng với chủ nhà thì tùy vào điều kiện của họ và khả năng chốt deal của mình thì sẽ cao hơn hoặc y chang vầy. Nhớ đừng deal thấp hơn nhen, vì hợp đồng mẫu thường được quy định dựa theo mức sống của từng nước rồi á, đừng vì muốn đi quá rồi bất chấp làm deal thấp hơn, thấp quá xài thiếu. (Với cả mấy người mà hẹp hòi tiền bạc quá sau này mình ở chung với họ cỡ 1 năm chắc có khi còn nhiều chuyện phát sinh nữa hông hay.)
Nhắc thêm lầ nữa là mọi điều khoản trong hợp đồng nhớ làm càng rõ càng tốt.
Hợp đồng mẫu tham khảo lấy ở đâu?
Lên trang https://www.aupairworld.com/ tìm cho từng nước, hoặc tìm thử trên trang của đại sứ quán nước mình muốn đi là chắc ăn nhất.
Link hợp đồng mẫu tại đây
Đọc hợp đồng sẽ cung cấp cho bạn một cái nhìn thiệt tổng quan là mình sẽ làm gì, được nhận gì, quyền lợi và nghĩa vụ.
Lưu ý: một số nước có quy định được tháng lương 13, 14… kể cả Aupair cũng được hưởng luôn. Mình nên tìm hiểu để biết khỏi mất quyền lợi.
Một số nước có chương trình Aupair: Đức, Áo, Pháp, Anh, Mỹ, Úc, Canada, Tây Ban Nha, Hà Lan… Lưu ý là làm Aupair nước nào thì phải học ngôn ngữ của nước đó nhen.
Những đối tượng hay tham gia Aupair
Giới hạn độ tuổi cho Aupair khác nhau tùy từng nước, nhưng thường giới hạn từ 18 – 28. Như vậy bạn phải nộp hồ sơ là trước sinh nhật tuổi 27 của bạn. (Đối với Áo, Đức). Nhưng càng sớm thì càng tốt. Với giới hạn tuổi như vậy, các đối tượng hay đi Aupair thường là:
- Thường là các bạn sinh viên hoặc mới tốt nghiệp muốn có thời gian GAP YEAR.
- Các bạn đã tốt nghiệp, đi làm được một vài năm muốn đi ra nước ngoài để tăng trải nghiệm, học ngôn ngữ phục vụ cho công việc, trau dồi ngôn ngữ để xin học bổng học lên thạc sĩ, hoặc tìm cơ hội học nghề, định cư lại…
(Trong số những người mình biết thì nhiều bạn chọn con đường học xong học tiếp lên trường nghề, hoặc học đại học để có cơ hội ở lại làm việc, định cư.)
LƯU Ý: Hiện nay trên trang Aupair Việt Nam (Đây là trang trung tâm tư vấn đi Au pair cho khách hàng, bạn có thể tự làm hoặc thông qua trung tâm) có nói rằng điều kiện để tham gia là Aupair là: đang là sinh viên hoặc đã tốt nghiệp đại học, cao đẳng. Nhưng theo như quy định quốc tế, tham gia Aupair không yêu cầu trình độ học vấn. Lúc nộp hồ sơ xin visa cho Đại sức quán và gia đình, họ cũng không yêu cầu chứng mình trình độ học vấn. Cho nên những bạn nào chỉ không học đại học có thể tìm hiểu để tham gia chương trình này nhé.
Ưu điểm của việc làm Aupair
- Việc sống và có tương tác qua lại với người bản xứ dưới một mái nhà sẽ giúp hoàn thiện kỹ năng ngôn ngữ của bạn, cải thiện kỹ năng nói, học từ vựng phong phú và tự nhiên hơn.
- Có điều kiện đi sâu vào tìm hiểu một nền văn hóa mới.
- Giúp bạn trưởng thành, trở nên độc lập, tự tin vì bạn có nhiều trách nhiệm trong cuộc sống hàng ngày, phải chăm sóc người khác.
- Có thời gian để đi du lịch.
- Kết bạn.
Mặt khác của Aupair
- Bạn phải chuẩn bị tinh thần là mình sẽ dừng công việc hoặc việc học hiện tại trong vòng ít nhất một năm để sẵn sàng hòa mình vào một môi trường mới, chuẩn bị tinh thần để học hỏi, làm sao khai thác tốt nhất quãng thời gian này để chuẩn bị cho giai đoạn tiếp theo như: học tiếp lên, giỏi ngôn ngữ, tìm cách định cư…
- Aupair hổng phải để kiếm tiền (dù có thể tiết kiệm được một ít) nhưng bảo đảm nó hông nhiều như đi xuất khẩu lao động, đi công tác, hoặc thậm chí không nhiều như khi bạn ở Việt Nam.
- Lâu lâu hên xui có host cũng không được tử tế lắm, mà hông sao. Trong trường hợp đó bạn có thời gian để tìm host mới và đổi host á. Như mình biết 2 bạn ở Áo bị đổi host, một bạn là chủ động đi, một bạn là mâu thuẫn với host (một phần là do lỗi bạn không trao đổi được với người ta) nên host mua vé cho về Việt Nam luôn. Lúc đó thì cầu cứu mấy bạn Việt Nam bên đó giúp, cũng tìm được host mới. Nói chung chuyện này có xảy ra nhưng cũng hiếm.
Làm thế nào để trở thành Aupair?
Theo kinh nghiệm của mình, các việc cần làm để trở thành Aupair trong trường hợp bạn tự làm hồ sơ luôn là:
- Bắt đầu học một ngôn ngữ mới.
- Chọn nước mình sẽ đi Aupair.
- Chuẩn bị hồ sơ để tìm gia đình Aupair. (Thường là một bức thư giới thiệu bản thân, giải thích lý do tại sao mình muốn trở thành Aupair ở nước đó, kèm với một vài hình ảnh của mình).
- Đăng hồ sơ lên các trang tìm host miễn phí, ví dụ Aupairworld.com.
- Đọc kinh nghiệm về cách chọn host.
- Đọc hồ sơ về host được đăng trên các trang mình đăng ký. Chọn host mình thấy phù hợp, liên hệ trao đổi… cho đến khi chốt deal, ký hợp đồng. Quá trình này lúc bắt đầu có thể không thuận lợi lắm. Đừng nản.
- Đọc yêu cầu hồ sơ cần thiết để xin visa/giấy phép cư trú cho diện Aupair. Nên đọc trên trang của đại sứ quán nước đó (ví dụ đại sứ quán Áo tại Việt Nam) để có thông tin chính xác. Cái nào hông biết cứ gọi tới đại sứ quán hỏi trực tiếp luôn, đừng ngại.
- Chuẩn bị hồ sơ dần dần. Mấy cái tốn thời gian như là bằng ngôn ngữ, lý lịch tư pháp… nên canh thời gian để chuẩn bị sớm.
- Đặt lịch hẹn nộp hồ sơ với đại sứ quán. Thường lịch chờ này hơi bị lâu, cứ chốt được với gia đình host là bắt đầu canh thời gian đặt liền đi.
- Sau đó chuẩn bị để lên đường thôi. (Mình đi qua Áo thời đó không phải phỏng vấn nên không có kinh nghiệm gì về mẹo phỏng vấn, mấy bạn tham khảo thêm trên mạng).
Còn muốn dễ, đơn giản hơn thì nhờ mấy trung tâm. Giá giao động từ 14 – 30 triệu. Đi Đức thì mình biết một trung tâm rẻ lắm của Sài Gòn. Cần thì hỏi nha.
Kể về trải nghiệm Aupair thực tế ở Áo
Mình có 6 tháng đầu hơi bị bận rộn (bận hơn nhiều so với hợp đồng luôn á). Vì mất 3 tháng để làm quen với đứa trẻ mình chăm, sau đó thì có một em bé mới ra đời nữa. Tụi trẻ có đứa làm quen với Aupair rất nhanh, có đứa thì hông phải kiểu dễ dãi nên tốn thời gian hơn. Hãy kiên nhẫn, đừng nản. Cái gì từ trái tim sẽ tới trái tim thôi à. Kinh nghiệm rút ra là ngoài việc nói rõ về thời gian làm việc và yêu cầu thời khóa biểu rõ ràng thì cần nên bớt tính cả nể đi. Mình cố gắng giúp họ nhưng hãy nhớ dành thời gian cho bản thân mình để học hỏi, trải nghiệm và luyện tập nữa.
Theo luật Aupair có 30 ngày nghỉ. Nhưng nhiều lúc cũng tùy. Có bạn được nghỉ nhiều hơn do lịch gia đình họ đi du lịch thì mình có lịch trống nghỉ luôn. Có lúc gia đình đi du lịch cần mình đi theo thì mình không được nghỉ. Năm rồi mình nghỉ có 10 ngày phép (ahuhu, đừng như mình), nhưng bạn mình được nghỉ đến 6 tuần…Hãy chủ động sắp xếp, bàn bạc với họ về ngày phép của mình. Quyền lợi của mình thì nhớ hưởng. Không được ngại. Tùy host mà có người được nghỉ 1 ngày trong tuần, có người được nghỉ 2. Nhưng mà phần lớn là nghỉ 1 ngày thôi á.
Ở châu Âu việc đi lại rất là tiện, vé bus đi từ nước ngày qua nước kia đi rất rẻ luôn. Sau đó tới tàu và máy bay. Nhưng nếu mua sớm thì vé máy bay lại rẻ hơn vé tàu. (Đó là lý do nên chủ động lịch nghỉ để có thể đi du lịch tiết kiệm và thoải mái á.) Có mấy trang như Omio thì lên đó mình cứ nhập lịch đi, nơi đi vào họ sẽ ra giá vé, các hãng vận chuyển cho mình bằng đường bus, tàu, máy bay… rồi chọn.
Đi lại trong thành phố thì có các phương tiện như bus, tàu điện ngầm, xe điện trên phố. Thường mua vé tháng, vé năm là xài được hết các phương tiện đó luôn. Mình ở đâu thì nên tải luôn cái app hướng dẫn giao thông ở thành phố đó, ví dụ như Vienna có Qando Vien. Muốn di chuyển vào giờ nào cứ nhập vào app nó sẽ hướng dẫn cụ thể bắt chuyến nào, chuyển tàu, xe ra sao… khỏe re à.
Với hổng nên sĩ diện, vì thường mình mới qua, khi họ cần nhờ mình làm việc gì thì sẽ chỉ cho mình cụ thể việc đó luôn, nếu làm chưa đúng thì họ chỉ lại thôi. Mình coi rút kinh nghiệm. Chuyện chỉ mình làm sao cho đúng là bình thường chớ hổng phải ý họ chê bai gì mình. Đừng buồn.
Nhớ chủ động việc đăng ký đi học. Tận dụng thời gian đi học ở trường vì đó là môi trường tốt để học, để kết bạn nữa. Sau này bận quá có thể học online nhưng mình khuyên là nên đến trường.
Có thể tham gia vào hội sinh viên ở thành phố mình tới. Có nhiều hoạt động cũng vui. Nhất là với mấy bạn tính ở lại luôn hoặc học lên thì càng nên như vậy.
Nói chung thì lúc làm Aupair do mình hông chủ động lắm về lịch làm việc nên không có nhiều thời gian rảnh mấy, nhưng do ở Vienna cũng gần gần biên giới vài nước nên cũng đi được Slovakei, cộng hòa Séc, Hungary, Ý, Đức… cho biết. Ngoài ra Vienna là một thành phố dễ thương, an ninh tốt, nhiều chỗ tham quan lắm.
Tóm lại thì cách sống của họ có nhiều thứ mới lạ, nhiều cái hay. Hãy cố gắng sống theo cách của gia đình host, học cách lập kế hoạch xa, học cách thẳng thắn nêu quan điểm, cách chủ động công việc của mình, cách cân bằng giữa công việc và nghỉ ngơi, giải trí… bạn sẽ thấy mình thay đổi á.
Trong trường hợp muốn tìm trường nghề học đại học để học thì hãy chuẩn bị sớm từ khoảng 3-4 tháng sau khi sang đó nha. Đừng để trễ quá hồ sơ chưa xong thì phải mất công về lại Việt Nam.
Chúc các bạn may mắn.
Thành says
Cho em hỏi khi qua đó mình vô trường học là như thế nào ạ ???
Ngân says
đăng ký học ở trường bên đó như thế nào vậy chị?