Điểm đến đầu tiên ngay khi mình đến Busan chắc chắn là làng văn hóa Gamcheon, bởi vì mình thích những cái gì rực rỡ. Để đến được Busan, các bạn có thể đi tàu tốc hành (KTX) từ ga Seoul hoặc bay đến sân bay Gimhae.
Busan đón mình bằng một cơn mưa phùn rả rích và ắt hẳn là khách du lịch như mình sẽ không thích rồi. Sáng hôm mình ghé Gamcheon, trời cũng mưa lất phất nhưng vẫn có thể đi chơi được, chứ mà bão như vài ngày trước đó thì chắc nằm ở hostel rồi. Tuy vậy nhưng khu làng vẫn lung linh, sặc sỡ; bởi nó được hình thành bởi hàng trăm ngôi nhà được sơn vẽ với nhiều màu sắc khác nhau.
Đi dạo quanh khu làng, các bạn có thể bắt gặp rất nhiều hình bích họa, mang đậm dấu ấn của một khu làng ven biển (mặc dù đây không phải làng ven biển các bạn nhé).
Ít ai có thể ngờ rằng khu làng nhiều màu sắc này lại là nơi trú ngụ của dân tị nạn trong cuộc chiến tranh Triều Tiên vào những năm 1950. Với sự phát triển vượt bậc của thành phố Busan thì “khu ổ chuột” Gamcheon được xem như một địa điểm hiếm có.
Vậy nên đến năm 2009, Bộ Du lịch Hàn Quốc đã thực hiện dự án nghệ thuật để biến Gamcheon thành một điểm đến văn hóa với sự tham gia của các họa sĩ. Từ đó đến nay, Gamcheon thu hút rất nhiều khách du lịch và được ví như là “Santoniri của Hàn Quốc”.
Santorini thì chắc hẳn nhiều bạn biết rồi đúng không? Đó là một ngôi làng nằm bên cạnh bờ biển trên một hòn đảo ở Hy Lạp với những ngôi nhà hình mái vòm với tông trắng làm chủ đạo, hòa quyện với màu xanh của biển tạo nên một khung cảnh đẹp nên thơ. Mình luôn ước được một lần đặt chân tới đó. Nếu không có cơ hội đến Hy Lạp thì bạn có thể đến Busan để khám phá một Santorini phiên bản khác nha.
Để đến được Gamcheon các bạn bắt subway Line 1 đến ga Toseong, ra ở Exit 6; rẽ phải và đi thẳng; sau đó bắt bất cứ bus nào có dòng chữ “Gamcheon Culture Village” trên thân xe. Bus sẽ đưa các bạn lên đỉnh đồi, ngay lối vào khu làng.
Những xe bus đi lên đến khu làng rất khác so với những xe bus khác vì nó khá nhỏ, màu xanh lá cây nên các bạn rất dễ nhận ra; vé cũng rẻ hơn nữa . Mình khuyên các bạn nên đi bus hoặc taxi lên đỉnh vì đường đi lên khá dốc và xa, lên tới nơi sẽ không đủ sức để khám phá nữa. Mỗi lần xe bus leo dốc mà mình cảm tưởng như chiếc xe sẽ tuột xuống luôn vậy. Lúc lên xe bus, các bạn nhớ đưa hình khu làng cho tài xế xem để họ biết mà cho bạn dừng đúng chỗ, đỡ mất công đi bộ.
Lúc xuống xe bus, sẽ có 2 hướng cho các bạn đi. Một hướng là đi xuống khu làng, nếu bạn có thời gian thư thả thì hãy đi bộ xuống phía dưới, mon mem theo những ngôi nhà, gặp gỡ người dân tại đây; bạn sẽ cảm nhận được một khu làng rất riêng.
Vì khu làng nằm ngay trên sườn đồi, nên đường đi trong làng khá dốc, lúc xuống làng chơi thì sung sướng lắm, nhưng lúc leo lên lại thì mệt thở không ra hơi. Lúc vô làng mình gặp chủ yếu người già, mình nghĩ bao nhiêu năm sống ở đây chắc họ khỏe lắm. Đi trong khu làng, lâu lâu bạn sẽ bắt gặp những hình ảnh rất dễ thương, những khu công viên nhiều màu sắc và những ngôi nhà nhỏ xíu xinh xắn.
Còn nếu các bạn chỉ muốn ngắm cảnh, không muốn vô làng thì có thể men theo một con đường ôm trọn ngôi làng phía trên đỉnh dốc. Con đường này xây dựng chủ yếu dành cho khách du lịch, vừa đi vừa ngắm ngôi làng ở phía dưới, có rất nhiều quán cà phê và tiệm quà lưu niệm.
Khách du lịch chủ yếu đi theo con đường này. Lúc đầu mình không biết nên đi xuống làng, rất vắng vẻ, mình còn đang tự hỏi sao cuối tuần mà ít khách du lịch vậy; thế nhưng lúc leo lên lại đỉnh đổi mới thấy có con đường này và rất đông khách du lịch.
Các bạn nên dành trọn một buổi để tham quan ngôi làng này. Đây là nơi mình ấn tượng nhất khi đến Busan. Vô làng không hề thu phí vào cổng. Có bạn có thể thốt: “Ơ, không thu phí là đúng rồi”. Vâng, mình vẫn mặc định là như vậy cho tới khi mình đi Sa Pa, dù là vô làng Tả Van của người dân tộc, trong này hoàn toàn thiên nhiên không hề có tác động nào của chính quyền nhưng khách du lịch vẫn bị thu phí 75k khi vô làng. Mình cảm thấy ấm ức lắm, số tiền không đáng bao nhiêu nhưng cảm thấy ở đây thương mại hóa quá.
Ở Gamcheon, Bộ Du Lịch Hàn Quốc đã tốn rất nhiều tiền để tu sửa, tân trang, sơn vẽ để tạo nên một điểm thu hút về văn hóa cho khách du lịch, thế nhưng họ không hề thu phí. Một khi đã thu hút được khách du lịch tới đây rồi, họ sẽ tự động bỏ tiền cho những dịch vụ khác tại đây; lợi ích mà họ nhận được hơn rất nhiều lần so với số tiền phí họ thu được từ việc bán vé vào cổng. Mình khá buồn khi Việt Nam làm du lịch không mang tính dài lâu, bền vững.
Mặc dù đã dành trọn một buổi sáng để khám phá nơi đây nhưng lúc rời đi mình vẫn còn lưu luyến. Hãy đến Gamcheon và cảm nhận các bạn nhé!
Leave a Reply