Hellooooo…. Chào mừng các bạn đến với seri những câu chuyện về cuộc sống ở Philippines của mình nhé. Mình sẽ làm việc ở Philippines trong vòng nửa năm và mình muốn chia sẻ với các bạn tất tần tật mọi thứ về Philippines: từ văn hóa, con người đến đồ ăn và những điểm du lịch nổi tiếng, vân vân và mây mây.
Mục lục
Vì sao mình đi Philippines?
Ở kỳ đầu tiên, mình sẽ chia sẻ cho các bạn tại sao mình lại đến Philippines và mình làm gì cái quái gì ở đây. Đọc tựa đề thì các bạn cũng đoán ra là mình đi học tiếng Anh ở Philippines đúng không?
Philippines là một trong số ít những quốc gia ở Châu Á nói tiếng Anh thành thạo và trở thành điểm đến du học của nhiều bạn trẻ từ các nước phát triển như Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Trung Quốc,… bởi chi phí rẻ mà chất lượng giảng dạy tốt.
Để tìm hiểu nguyên nhân vì sao người Philippines nói tiếng Anh thành thạo, chúng ta có thể quay về thời kỳ đầu thế kỷ 20 khi mà người Mỹ đô hộ quốc gia này trong gần 50 năm, họ đã biến tiếng Anh trở thành ngôn ngữ phổ biến ở nơi đây. Nhiều người luôn cho rằng vì có sự đô hộ của Mỹ nên người Philippines mới giỏi tiếng Anh như vậy. Nói như vậy có chút sai lầm. Bởi người Tây Ban Nha “sở hữu” Philippines những 3 thế kỷ nhưng rất ít người dân ở đây nói được tiếng Tây Ban Nha. Sau khi người Mỹ rời đi người Philippines vẫn tiếp tục sử dụng tiếng Anh vì họ hiểu rõ tầm quan trọng của ngôn ngữ này.
Và một điều khá thú vị là ở đất nước nghìn đảo này có tới hơn 100 ngôn ngữ, vậy nên người dân ở khu vực này không thể hiểu được người dân ở khu vực khác nói gì, cho nên họ dùng tiếng Anh như là ngôn ngữ chung để giao tiếp hằng ngày (Mình xin đính chính là cái này nha.haha. Mình đọc trên mạng bảo thế cơ mà mình vừa hỏi giáo viên của mình, cậu ấy nói ở Philippines, Tagalog là quốc ngữ nên nó được dùng để giao tiếp giữa các khu vực có ngôn ngữ khác nhau).
Nói đến nguồn gốc của ngôn ngữ quả thật rất thú vị. Từ hồi mình đi và gặp nhiều bạn trẻ trên thế giới, mình có một sự hứng thú đặc biệt với nguồn gốc hình thành ngôn ngữ của mỗi quốc gia.
Tại sao lại chọn Philippines để học Tiếng Anh?
Ắt hẳn là nhiều bạn đã biết tầm quan trọng của tiếng Anh rồi phải không nào? Thành thạo tiếng Anh mở ra cho bạn nhiều cơ hội việc làm, cơ hội đi du học, cơ hội ra nước ngoài và giúp bạn tự tin giao tiếp với người nước ngoài cũng như tiếp thu nguồn kiến thức khổng lồ trên thế giới.
Tuy nhiên, việc học tiếng Anh ở Việt Nam tương đối khó khăn với nhiều bạn. Như mình học tiếng Anh chục năm nhưng khi nói chuyện với Tây thì méo rặn ra chữ nào. Bởi lẽ ở VN không có nhiều môi trường để bạn tiếp xúc với tiếng Anh, bạn chỉ có thể tự tìm môi trường, như học ở lớp, đến các câu lạc bộ, ra công viên chém gió với Tây,..Nhưng đối với nhiều bạn ngại tiếp xúc và lười như mình thì…thôi khỏi nói. Cộng thêm ở Việt Nam bạn chỉ học vài buổi rồi về nhà lại nói tiếng mẹ đẻ. Học sinh Việt Nam cực kì giỏi ngữ pháp nhưng giao tiếp khá tệ.
Vậy đó là lý do bạn nên đến Philippines để học tiếng Anh nếu bạn có điều kiện. Bạn sẽ ngập tràn trong tiếng Anh 24/24. Và cho dù là bạn học ở đâu thì bạn cũng nên thực hành hằng ngay cả sau khi bạn hoàn thành khóa học. Bởi lẽ học xong mà không sử dụng thì bạn sẽ lãng quên theo năm tháng mà thôi.
Dài dòng bấy nhiêu đủ rồi. Tới vấn đề chính đây. Đối với những bạn không có điều kiện thì sao? Các bạn biết là mình thích những cái gì mà “không tốn nhiều tiền” ấy. Đây là seri thứ 3 về việc làm một cái gì đó mà không tốn nhiều tiền rồi.Haha. Tuy nhiên trên đời này không có gì là miễn phí cả. Bạn phải bỏ công sức thì mới nhận lại được cái mình muốn. Có thể tốn nhiều thời gian và công sức nhưng bạn sẽ học được rất nhiều thứ.
Vậy bạn muốn học tiếng Anh ở Philippines nhưng không có tiền, hãy ứng tuyển vào vị trí “Quản lý học viên” hay nói một cách văn hoa là “Student Manager” (SM). Và hiện tại mình là Vietnamese Manager ở một trường Anh ngữ ở Cebu (thành phố lớn thứ hai ở Philippines và cũng là thành phố có nhiều trường Anh ngữ nhất nước này).
Chi tiết công việc Quản lý học viên tại Philippines
Một số vấn đề bạn cần lưu ý nếu muốn trở thành Quản lý học viên:
1. Tại sao mình muốn trở thành SM?
Lý do đơn giản là mình muốn học tiếng Anh nhưng không có tiền. Haha. Đó là lý do chính ấy. Còn lý do phụ thì sao? Bạn sẽ được trải nghiệm môi trường làm việc đa quốc tịch: Hàn Quốc, Đài Loan, Nhật Bản, Philippines,…Khi bạn làm việc trong môi trường như vậy, bạn sẽ gặp nhiều khó khăn và bạn sẽ phải tìm cách để vượt qua nó, như vậy bạn sẽ trưởng thành hơn.
Bạn cũng sẽ quen biết RẤT RẤT RẤT nhiều bạn bè, từ học viên, đồng nghiệp, manager tới giáo viên, bảo vệ. Một lý do nữa là mình không thích học cho lắm, cả ngày mà cắm đầu vô học thì chán lắm, mình thích làm việc hơn, như vậy sẽ có nhiều điều thú vị, tuy nhiên cũng mệt hơn nữa.
2. Điều kiện để trở thành SM
Điều này còn tùy thuộc vào yêu cầu của mỗi trường. Một số trường Anh ngữ nổi tiếng có yêu cầu khá khắt khe về SM, như phải thành thạo kỹ năng nói và viết cả tiếng Anh và tiếng Việt, có kinh nghiệm về Marketing online, Social media, có kỹ năng chụp hình, quay phim, sử dụng Photoshop, edit video, biết cách xử lý tình huống, và đã từng học tiếng Anh tại trường đó thì sẽ là lợi thế. Có trường còn có yêu cầu đặc biệt là biết nấu món ăn Việt Nam,..
Tuy nhiên có một số trường cần tuyển gấp SM thì yêu cầu có thể giảm xuống, chỉ cần giao tiếp cơ bản để có thể trao đổi với manager và đồng nghiệp. Hãy học thêm một chút về chụp ảnh và photoshop, như thế bạn sẽ có lợi thế hơn.
Về độ tuổi thì thường dao động từ 20-30 tuổi. Nếu lớn hơn 30 tuổi mình nghĩ vẫn ok nếu bạn chứng minh mình có nhiều kinh nghiệm và kỹ năng liên quan. Còn 20 tuổi trường vẫn nhận đó. Mình biết có vài bạn còn đang là sinh viên, sau khi apply xong thi bảo lưu việc học ở trường và qua đó học. Lúc tìm hiểu về công việc này mình cũng có nhắn hỏi 1 bạn đang làm 1 trường ở Manila (bạn đó mới có 20 tuổi thôi, đang học trường Ngân hàng, đậu xong bảo lưu qua đó làm nửa năm hay 1 năm gì đó rồi về VN học tiếp).
Bạn nên đọc kỹ yêu cầu của trường để xem mình có phù hợp không và cho dù không phù hợp hãy cứ mạnh dạn apply bởi vì biết đâu ‘Chó ngáp phải ruồi”. Haha. Giỡn chớ hãy tự tin lên, hãy chộp lấy cơ hội và học cách làm sau.
Hầu hết các trường đều thích tuyển những bạn năng động, cởi mở nhé. Cho dù bạn không cởi mở thì hãy cứ nhiệt tình hết sức với công việc, và khi tới đây rồi muốn không cởi mở cũng khó đấy.
Và thông thường khi trường tuyển thì họ đang cần người nên họ ưu tiên những người có thể bắt đầu công việc sớm. Và mình thấy nó khá phù hợp với những bạn sinh viên vừa mới ra trường. Nếu rảnh rỗi hãy thử apply và cuộc sống của bạn có thể thay đổi từ đây nhá.
Hồi mình appy cho trường mình đã phải dành 1 khoảng thời gian để học edit video để làm video về chuyến đi HQ của mình và gửi cho trường xem link để nói là à tao biết làm video nè mày tuyển tao đi. Rồi mình còn học cách thiết kế website, thế là blog này ra đời, xong mình viết vài bài chia sẻ kinh nghiệm du lịch của mình xong cũng gửi cho trường, ý là ”tao có web nè, tao biết viết bài trên website nè, tao có kỹ năng viết tốt nè, mày tuyển tao đi”
Mình thì ghét mấy cái liên quan đến máy tính phần mềm nhưng mà ngày nào cũng cắm đầu vô học để mà apply công việc. Vậy nên sau này đi làm rồi trường nói là họ khá ấn tượng với sự sáng tạo và hay ho của mình. Đó là lý do mình được nhận mặc dù Tiếng Anh của mình cùi bắp không chịu được.
Nếu bạn muốn tạo 1 blog giống của mình thì có thể tham khảo khóa học “Thiết kế và kiếm tiền từ blog dành cho người mới bắt đầu” của mình tại đây nhé!
3. Bạn nhận được gì khi trở thành SM?
Student Manager thường sẽ có 2 vị trí: Một là vị trí Quản lý học viên (chỉ có nhiệm vụ chăm sóc học viên tại trường), Hai là vị trí Đại diện marketing (sẽ có nhiệm vụ marketing tại thị trường VN, làm việc và giải đáp thắc mắc cho agency). Tùy theo mỗi trường thì có trường sẽ có 2 bạn làm 2 vị trí này, có trường thì 1 bạn kiêm cả 2 công việc này luôn.
- Đối với vị trí Quản lý học viên thì thường quyền lợi là sẽ được học 3-4 giờ/ngày (có thể là lớp 1:1 hoặc lớp học nhóm), ăn ở miễn phí, và một số chi phí khác bạn cần hỏi trường cho cụ thể vì chi phí khác khá nhiều. Điển hình là: chi phí địa phương như Visa, SSP, ACR I-Card; chi phí điện, nước, giặt giũ, phí giáo trình, giấy tờ,… Một số trường có thể cho bạn tiền tiêu vặt hàng tháng. Trường mình đang làm việc chi trả hết toàn bộ chi phí nên không tốn đồng nào khi ở đây. Bạn mình qua làm việc sau mình thì học 2 lớp 1:1 /ngày và được thêm phụ cấp 10.000peso/tháng (~4,5 triệu đồng). Tuy nhiên, một số trường khác bạn có thể tốn tiền hàng tháng (như phải tự chi trả tiền gia hạn visa hoặc điện nước), có thể vài triệu. Nên hãy hỏi cho cụ thể nhé.
- Đối với vị trí Đại diện marketing thì thường trường sẽ offer lương (tùy trường có thể dao động trên dưới 1,000$/tháng), bao ăn ở và một số chi phí địa phương. Vị trí này có thể làm tại trường hoặc remote tại Việt Nam.
4. Công việc của một SM
Thông thường công việc của một quản lý học viên là đưa đón học sinh ở sân bay, check in phòng, giải đáp thắc mắc, giải quyết các vấn đề của học sinh, hỗ trợ một số công việc ở văn phòng trường, viết bài lên blog, trang Facebook của trường.
Công việc tương đối dễ dàng, chỉ có một số khó khăn về việc giải quyết những vấn đề của học viên. Và nếu tiếng Anh bạn không đủ giỏi thì có thể hơi khó để hiểu những gì đồng nghiệp và manager truyền đạt. Nhưng mà các bạn yên tâm, làm một thời gian bạn có thể hiểu tương đối tốt vì “English everywhere”.
Còn đối với vị trí Đại diện Marketing thì bạn sẽ có nhiệm vụ marketing cho thị trường VN, gặp gỡ và làm việc với các công ty tư vấn du học, thiết kế brochure, lên chương trình khuyến mãi, tham dự các buổi hội thảo,…
Đôi khi mình cũng tiếp quản luôn học viên Mông Cổ nếu như không có Manager Mông Cổ. Và lâu lâu nếu có agent đến để tham quan trường thì mình cũng có nhiệm vụ dẫn họ đi tham quan và giới thiệu về trường.
5. Thời gian làm việc
Bạn phải ký hợp đồng làm việc ít nhất 6 tháng. Bởi vì trường rất mất thời gian để training người mới cho nên yêu cầu quản lý học viên phải làm thời gian dài. Và mình nghĩ để thành thạo tiếng Anh thì bạn cần ít nhất nửa năm ấy. Và bạn có thể được ký hợp đồng chính thức có hưởng lương nếu bạn thể hiện tốt. Tuy nhiên có 1 số trường chỉ cần tuyển trong giai đoạn cao điểm như nghỉ hè nên có thể họ chỉ cần tuyển trong 1,2 hoặc 3 tháng thôi.
Công việc của mình ở trường bắt đầu từ 8 a.m – 6 p.m (bao gồm làm việc, ăn trưa, và học), cuối tuần bạn cũng phải đi đón học viên và hỗ trợ cho trường nếu có event.
6. Làm thế nào để ứng tuyển vị trí SM?
Các bạn nên theo dõi trang Facebook và website của một số đối tác của các trường Anh ngữ Philippines ở Việt Nam, hoặc các bạn nên like các page của thị trường VN của các trường đó. Các bạn có thể follow Facebook của mình hoặc Group TẤT TẦN TẬT về du học Tiếng Anh tại Philippines để cập nhật tin tuyển dụng nhanh nhất nhé. Hiện tại đang dịch các trường bên đó đã đóng cửa, khi nào các trường mở cửa và tuyển lại mình sẽ đăng lên Fb cá nhân và Fanpage. Vì mình cũng làm trong lĩnh vực này nên khi trường tuyển dụng họ sẽ báo cho mình biết.
Sau khi bạn gửi CV cho trường, nếu ok họ sẽ hẹn bạn ngày phỏng vấn qua Skype. Một số câu hỏi phỏng vấn cũng giống phỏng vấn xin việc ở Việt Nam như Giới thiều về bản thân, Điểm mạnh, Điểm yếu, Tại sao lại chọ công ty chúng tôi, Giải quyết tình huống, Bao giờ bạn có thể bắt đầu công việc, Bạn mong muốn gì từ chúng tôi, rồi thì là Bạn có muốn hỏi gì không, bla bla bla…Hỏi gì thì tùy trường nhé. Mình là đứa tiếng Anh cùi bắp mà vô phỏng vấn chém đại cũng đậu nên bạn cứ yên tâm. Haha. Sau khi bạn được thông báo pass thì chỉ việc đặt vé máy bay rồi lên đường thôi.
Bây giờ việc apply SM khá khắc khe vì tính cạnh tranh nhiều hơn ngày xưa vì nhiều bạn biết tới chương trình này. Cho nên bạn phải trau chuốt CV thật kỹ, tập phỏng vấn Tiếng Anh thật tốt và chuẩn bị 1 số kỹ năng đặc biệt làm lợi thế cạnh tranh nhé.
7. Những thứ cần chuẩn bị trước khi lên đường
Bạn cần chuẩn bị gì khi qua Philippines đây? Cái này cũng hữu ích với những bạn du học Philippines nữa nhé.
- Quần áo: Ở Cebu thời tiết quanh năm nắng nóng giống Sài Gòn vậy đó, nhưng vì gần biển nên thời tiết tương đối dễ chịu. Bạn nên mang quần áo mát mẻ, mỏng và đơn giản thôi. Vì Cebu là thành phố biển nên cần đem theo đồ bơi để tận hưởng “Vitamin sea” nha. Và hầu hết các trường Anh ngữ đều có hồ bơi trong khuôn viên trường nên đem theo đồ bơi rất hữu dụng đấy. Còn nếu bạn học Baguio, thành phố này có khí hậu tương đối giống Đà Lạt nên hãy mang theo quần áo ấm một chút.
- Bảo hiểm du lịch: Nhiều bạn du học ở đây không mua nhưng mà vì mình ở đây lâu nên có bảo hiểm vẫn an toàn hơn. Mình mua bảo hiểm của Liberty khoảng 1$/ngày và dịch vụ tương đối tốt. Lúc mình đi Hàn Quốc mình có tìm hiểu và thấy bảo hiểm này khá ok nên mình chọn nó luôn. Lưu ý là các bạn chỉ có thể mua bảo hiểm khi đang ở VN, nếu bạn đã ra nước ngoài rồi thì không thể nào mua được nữa. Vậy nên hãy cân nhắc nhé.
- Vé máy bay khứ hồi: Bạn cần đặt vé đi và vé về thì mới được nhập cảnh vào Philippines. Nếu các bạn tự đặt vé có thể lên Skyscanner để check giá. Đây là trang web mình hay sử dụng. Cái tính mình cái gì cũng thích tự làm, chả thích qua đại lý chỉ vì nếu tự khám phá bạn sẽ có nhiều kinh nghiệm hơn. Và đây chính là lý do suýt nữa thì mình mắc kẹt ở sân bay Kuala Lumpur. Riêng cái vụ nhập cảnh vào Philippines mình có một trải nghiệm kinh hoàng.
- Giấy mời nhập học: Mặc dù bạn đi làm Quản lý học viên nhưng trường vẫn gửi cho Giấy mời nhập học để nhập cảnh dễ dàng hơn.
- Visa: Vì trường sẽ làm visa cho mình nên mình không quan tâm lắm. Nhưng đối với 1 số bạn đi học trên 1 tháng thì có thể làm visa ở VN, phí sẽ rẻ hơn. Còn nếu không bạn có thể qua đây rồi trường sẽ làm visa cho bạn. Không vấn đề gì.
- Thẻ Visa/ Master: Bạn nên đem theo ít nhất 2 thẻ quốc tế để sử dụng tuy nhiên phí rút tiền khá mắc. Nếu muốn tiết kiệm bạn nên mang USD và sang đây đổi qua peso. Nhưng bạn phải giữ cẩn thận nhé. Dù thế nào bạn vẫn phải có thẻ quốc tế, nếu bạn hết tiền hoặc mất hết tiền, bạn có thể nhờ người thân nộp tiền vô thẻ để sử dụng.
Trên đây là những thứ cần thiết, còn lại những thứ khác bạn đều có thể mua tại Philippines với chi phí ngang ngửa Việt Nam.
Thật sự làm việc ở môi trường nước ngoài có rất nhiều trải nghiệm. Hẹn các bạn ở kỳ sau. Mình sẽ chia sẻ về công việc của mình ở trường và cuộc sống ở Philippines như thế nào nhé.
Duyen Dao says
Chào bạn. Mình đang quan tâm đến chương trình vừa học vừa làm này tại Philippines. Bạn cho mình hỏi bạn nộp CV bao lâu sau thì được mời phỏng vấn và phỏng vấn sau bao lâu nữa thì bay hả bạn? Mình cám ơn bạn nhiều nhé!
Winnie says
This design is wicked! You most certainly know how to keep
a reader entertained. Between your wit and
your videos, I was almost moved to start my own blog (well, almost…HaHa!) Wonderful job.
I really enjoyed what you had to say, and more than that, how you presented it.
Too cool!
Nguyễn Gia Khiêm says
Ko bik bạn Quyên hiện này vẫn làm manager ở Philipines đúng ko nhỉ