9h tối ngày chủ nhật, cuối cùng tôi cũng lê cái thân xác về tới phòng sau 9 tiếng di chuyển bằng 5 loại phương tiện. Mở điện thoại lên, tôi nhận được tin nhắn từ anh bạn người Đài Loan hỏi về nhà chưa, anh bảo tôi đúng là điên thiệt, đi một nơi những 2 lần trong vòng 2 tuần. Không phải tôi điên mà là tại niềm đam mê với văn hóa ẩm thực thôi thúc tôi phải đi mặc dù mỗi lần đi tôi khổ sở vô cùng vì tôi rất dễ say xe.
Lần đầu tiên tôi đến Tanjay đúng vào ngày dịp lễ All Saint’s Day (01/11) và All Souls’ Day (02/11) ở Philippines. Năm nay 2 ngày lễ này đúng vào dịp cuối tuần nên chúng tôi được nghỉ những 4 ngày liên tiếp. Tôi quyết định đến Tanjay chỉ trước đó 2 ngày.
Và vì sao lại là Tanjay? Đơn giản vì đó là quê của giáo viên dạy tôi. Cô ấy bằng tuổi tôi và chúng tôi chơi với nhau khá thân như bạn bè. Cô thực sự cởi mở và hiếu khách. Tôi bảo là tôi không biết đi đâu trong dịp lễ này, rồi tôi nói là tôi rất muốn đón lễ tại một gia đình bản xứ, thế là cô mời tôi tới nhà chơi. Lúc đầu tôi định đi với cô bạn người Hàn của tôi nhưng vì cô không được khỏe nên tôi đi 1 mình.
Sáng ngày 01/11 tôi thu xếp hành lý vác ba lô lên đường. Để đến được Tanjay, tôi phải di chuyển 2 lần bằng jeepney, 1 lần xe bus, 1 lần tàu rồi thêm 1 lần xe máy. Tôi khởi hành lúc 7h sáng và đến nơi lúc 6h tối. Một ngày khủng khiếp đối với 1 đứa hay bị say xe như tôi. Nếu mà di chuyển ngày thường thì mất tầm 7-8 tiếng nhưng tôi lại đi vào dịp lễ nên khi đến bến xe khách, tôi phải xếp hàng dưới trời nắng 2 tiếng đồng hồ để lên được xe khách.
Không giống như ở VN, mọi người sẽ mua vé trước rồi tới ngày lên xe đi thì ở đây tới ngày mọi người rồng rắn kéo nhau ra bến xe rồi xếp hàng rồi mới mua vé lúc đã yên vị trên xe. Giá vé khá rẻ, tầm hơn 100k cho 6 tiếng di chuyển. Vì phải di chuyển khá nhiều, xếp hàng dưới trời nắng nên lúc ngồi trên xe khách tôi vừa say xe vừa mệt, nhiều lúc chỉ muốn xuống xe bắt xe khác về. Rồi nghĩ lúc quay về đi bằng cách nào, rồi nghĩ chắc mua vé máy bay về cho lẹ, rồi nghĩ méo có mang theo passport thì đi máy bay kiểu gì. Nói tóm lại 1 câu là tôi thực sự quá mệt. Sau khi xuống xe tôi lên thuyền đi khoảng 40 phút để đến hòn đảo Negros Oriental.
Cô bạn tôi ra đón tôi tại cảng cùng với anh họ của cô. Vì cô không biết đi xe máy nên phải nhờ anh ấy chở ra. Tôi thực sự bất ngờ vì cô không biết đi xe máy. Không phải mình cô mà rất nhiều người Filipino không biết đi xe máy lẫn xe đạp.
Tôi đến nhà cô vào lúc 6h tối cũng là lúc nhà cô đang làm lễ. Hôm nay là ngày lễ mà. Thế là tôi được chứng kiến nghi lễ của người bản xứ và nếm thử đồ ăn truyền thống ở đây. Tôi thật sự là người dễ ăn dễ sống cơ mà đồ ăn truyền thống ở đây thật sự khó ăn lắm. Tôi chỉ ăn được mỗi món gà luộc còn lại tôi có thử mấy món khác nhưng vị nó kỳ kỳ sao đó nên tôi thôi. Có một món ăn là món truyền thống xuất hiện trong hầu hết các dịp lễ ở đây, nó tên gì thì tôi quên rồi. Haiz.
Chắc lần sau tôi phải đem theo cuốn sổ để ghi chép lại cho nhớ. Món này làm từ gạo, giống món xôi, có màu cà phê, vị khá ngon. Người ta thường ăn bánh này cùng với chocolate. Khi tôi ra ngoài chợ thì thấy người ta bán khá nhiều và được gói trong lá chuối.
Ăn tối xong tôi cùng cô bạn đến thăm cháu trai của cô vừa mới sinh. Ở đây khác so với Cebu, mọi người di chuyển chủ yếu bằng xe tricycle, chứ không có xe jeepney. Xe tricycle cũng dễ bắt như jeepney vậy đó nhưng khác cái là ở Cebu jeepney hoạt động 24/24 cơ mà ở đây tới tầm 9,10h là chả thấy cái xe tricycle nào.
Vì đây là nông thôn chứ không phải thành phố lớn như Cebu. Đi lúc 8h thì còn có xe chứ đến lúc về đứng ngoài đường rã cả chân cũng chẳng thấy cái xe nào. Nhiều lúc thấy bất tiện dễ sợ. Chờ hoài không thấy cuối cùng cô bạn phải nhờ người ta mượn xe máy chở về dùm. Nghĩ nếu mà ở VN là sướng rồi không.
Vị trí địa lý của nhà cô bạn tôi khá đặc biệt. Vì cái lý do này mà tôi rất muốn tới đây. Trước khi tới đây một giáo viên khác của tôi đã hù tôi một trận. Rồi cậu ta còn lên google search cho ra cái địa điểm nhà cô rồi cho tôi xem. Và cái đặc biệt của nhà cô bạn tôi đó chính là ngay đối diện nhà cô chính là cái nghĩa trang. Cậu ta còn bảo nếu mà nhà cô bạn tôi chật quá không có chỗ ngủ thì ra nghĩa trang “ngủ nhờ” cũng được. Thiệt cái tình.
Mà tại sao vì cái nghĩa trang mà tôi phải đến đây cho được. Đơn giản là vì ngày hôm sau tôi đến chính là ngày lễ All Souls’ Day – Đây là ngày lễ mà mọi người sẽ tưởng nhớ những người thân đã khuất. Trong ngày này, tất cả mọi người sẽ mua nến và hoa quả đến nghĩa trang để viếng thăm người thân của mình. Cho nên vào ngày này ở tất cả các nghĩa trang luôn tấp nập người từ sáng sớm cho tới tối mịt.
Sáng hôm sau, sau khi vừa ăn sáng uống cà phê vừa ngồi nhìn dòng người tấp nập đổ về nghĩa trang, tôi cũng bắt đầu công việc bán thời gian của mình – Đi bán nến. Nhà cô bạn tôi gần nghĩa trang nên không thể thiếu việc bán nến rồi.
Nói là đi bán nến chứ thực ra tôi cầm bịch nến đi vòng vòng nghĩa trang ngó nghiêng đủ chỗ chứ có bán được cái nào đâu. Công việc này khá là “cạnh tranh” vì ai ai cũng tranh thủ ngày lễ để kiếm thêm tiền. Giá khá rẻ, khoảng tầm 1 peso (chưa tới 500 đồng) cho một cây nến. Ai đến nghĩa trang cũng mua nến để đốt cho người thân, như một nghi thức truyền thống vậy.
Thế nhưng có điều thế này. Nhiều người họ đốt nến trên một cái tấm lưới sắt, chất lỏng chảy xuống khay và họ dùng nó để tái chế thành nến mới và bán lại. Nếu mua nến tái chế thì rẻ hơn nến bình thường. Sau này tôi mới biết tại sao người ta lại làm vậy.
Rồi thì tôi nghe kể có nhiều người đi lại trong nghĩa trang, hễ thấy ai đang đốt nến mà bỏ đi thì họ sẽ lại dập tắt và trộm nến đi. Thật sự là tôi thấy không hay chút nào. Có lẽ cuộc sống người dân nơi đây còn nghèo nên họ phải làm thế, nhưng mà cũng không nên kiếm tiền từ “người chết” chứ. Hic hic.
Sau khi thất bại với việc bán nến ở nghĩa trang tôi quay về và được cô bạn tôi dẫn đi tham quan mấy địa điểm ở Tanjay. Đây quả là 1 vùng quê yên bình. Sau 1 tháng ở Cebu tấp nập, bụi bặm và ồn ào, cuối cùng thì tôi cũng được tận hưởng không khí trong lành, mát mẻ. Và lại 1 lần nữa, cô lại nhờ anh họ của cô chở chúng tôi đi. Tôi thấy áy náy quá chừng.
Chúng tôi ghé BoardWark (là 1 đường đi bộ bên rìa bờ biển khá đẹp), sau đó ghé nhà thờ, City Hall (cơ quan hành chính Tanjay), và chợ địa phương. Nếu mà muốn tìm hiểu về văn hóa của một địa phương thì đây quả là những địa điểm nên đến.
Hôm đó cô bạn tôi giới thiệu cho tôi khá nhiều người bạn của cô. Tôi đặc biệt ấn tượng với 1 cậu bạn tên gì tôi quên rồi nhưng mà nó tựa tựa Rô Phi. Tôi mới bảo là tên cậu ta rất giống tên 1 loài cá ở VN. Cậu ta mới hỏi tôi loài cá đó có đẹp không? Tôi bảo không biết có đẹp không nhưng mà ăn ngon lắm. Nghe vậy cậu ta làm ra vẻ thất vọng lắm. Haha.
Sau khi đi chợ thì cậu bạn mới quen dẫn chúng tôi về nhà cậu ta chơi cũng ở gần đó. Luồn lách qua những con hẻm nhỏ, cuối cùng chúng tôi cũng đến nơi. Cậu ta thiết đãi chúng tôi muốn bánh mà anh ta tự làm. Cậu ta thật ra là giáo viên Tiếng Anh nhưng lại khá khéo tay, thích làm bánh, thiết kế quần áo, thời trang và nhiều cái thú vị khác nữa nên khiến tôi cảm thấy thú vị lắm.
Sau khi nói chuyện chán chê, chúng tôi đi về, ăn trưa, nghỉ ngơi. Sau đó chúng tôi gồm tôi và 3 giáo viên nữa lên đường đến thành phố Dumaguete – thành phố lớn nhất ở hòn đảo Negros Oriental. Từ Tanjay đến Dumaguete mất gần 1 tiếng đồng hồ bằng xe bus, giá vé thì tầm 40 peso (gần 20 ngàn thôi). Thành phố này nằm bên cạnh bờ biển, không khí khá mát mẻ nhưng biển ở đây không tắm được vì không có bờ biển và sóng khá lớn. So với Đà Nẵng và Nha Trang thì vẫn thua xa. Haha.
Đến đây chúng tôi dạo mall mua 1 số thứ, ăn uống thỏa thuê xong ghé nhà thờ. Thật ra tôi là người vô thần, không theo đạo nào hết nhưng tôi vẫn muốn thử phong tục của người địa phương xem sao. Chúng tôi đến nhà thờ, mua nến và đốt cầu nguyện.
Tôi thấy khá thú vị vì nến ở đây có rất nhiều màu sắc, mỗi màu lại tượng trưng cho mỗi khía cạnh khác nhau như tình yêu, sự nghiệp, sức khỏe,…Nếu mà mua nến trắng thì rẻ hơn. Tôi chả nhớ là tôi cầu cái gì, chỉ nhớ là mua khá nhiều nến thôi. Sau này nghĩ lại có khi tôi tham lam quá thần linh chẳng chịu cho tôi cái nào thì chết.
Thành phố này cũng khá nhỏ, sau khi tham quan vài nơi, chúng tôi đi dạo dọc bờ biển, hóng gió, mua quà lưu niệm xong bắt xe bus đi về. Phải nói là con đường về nhà đẹp vô cùng, một bên là đồi núi, một bên là bờ biển với ngàn lớp sóng vỗ vào bờ. Lúc ngồi trên xe bus, tôi vẫn thấy khá nhiều dòng người đang đổ về nghĩa trang, đôi lúc làm con đường trở nên kẹt cứng.
Tối đến chúng tôi bắt xe tricycle ra bờ sông hóng mát, lần đầu tiên thử balut (trứng vịt lộn ở Phillippines) và chém đủ chuyện trên trời dưới đất. Từ đây tôi có nhìn thấy Cebu khá rõ, tôi mới thắc mắc tại sao nhìn gần thế mà tôi phải mất cả ngày để đến đây.
Bạn tôi bảo vì không có cầu nối thẳng từ Cebu đến Tanjay nên mới phải đi nhiều phương tiện để đến đây. Nghe bảo là người ta đang lên kế hoạch xây cầu nối liền 2 hòn đảo. Thật sự sống ở Philippines đối với tôi hơi mệt mỏi vì di chuyển thì đảo này sang đảo khác khá khó khăn mà tôi thì lại hay say xe nữa chứ. Tôi nghĩ đến chuyến đi trở về Cebu của tôi ngày mai mà lòng như lửa đốt.
Sáng hôm sau tôi trở về Cebu, nhưng cô bạn của tôi thì vẫn còn ở lại vì vẫn chưa hết lễ mà. May mà tôi không phải đi 1 mình. Vì có 1 giáo viên cũng đến Tanjay chơi và cũng về cùng ngày với tôi nên chúng tôi đi chung. Phải nói là cô khá trẻ, tầm 22 tuổi mà lại khá dễ thương nữa. Có cô làm bạn đồng hành, tôi cũng có người nói chuyện cho đỡ buồn nhưng mà say xe vẫn hoàn say xe thôi. Cuối cùng sau 7,8 tiếng gì đó tôi cũng lê lết được về khách sạn. Và sau đó 2 tuần tôi lại có chuyến đi đến Tanjay lần nữa. Thật là điên rồ.
Lý do tôi đến Tanjay lần này là bởi vì có lễ hội ẩm thực tại làng của một giáo viên. Có thể giải thích nôm na thế này, ở Tanjay có rất nhiều village nhỏ, mỗi cái lại có một lễ hội riêng của nó. Mà giáo viên của tôi thì nhiều người ở Tanjay lắm nên họ rủ tôi đến đó tham dự lễ hội này vì nó khá đặc biệt và quan trọng. Tôi thì không muốn đi sợ say xe quá chừng nhưng mà cô bạn Hàn Quốc của tôi năn nỉ quá chừng, chiều theo ý cô nên tôi đi thôi. Lần này đỡ hơn lần trc là chúng tôi thuê xe đi đến cảng chứ không cần phải bắt nhiều phương tiện như lần trước tôi đi nên tiết kiệm thời gian và công sức hơn nhiều.
Chúng tôi khởi hành lúc 11h đêm và đến nơi lúc 5h sáng, chỉ mất 6 tiếng, tôi không hiểu sao lần trc tôi mất những 11 tiếng để đến nơi. Lần này chúng tôi cũng lại ở nhà cô bạn của tôi. Đến trưa chúng tôi bắt jeepney đến cái làng mà có tổ chức lễ hội. Lễ hội này cũng lạ lùng lắm. Nhà nào cũng chuẩn bị đồ ăn, thức uống, xong có khách thì dọn ra. Cả một khu nhà nhà tấp nập là người, ngoài đường cái cũng bán đủ thứ thì nến, đồ lưu niệm, đến kẹo bông gòn nữa chứ, rồi còn đủ thể loại trò chơi mà tôi không biết phải gọi tên thế nào.
Chúng tôi được chủ nhà tiếp đón nồng hậu lắm. Tới nơi, chúng tôi mỗi người bưng một cái đĩa bự, cứ thế mà xông thẳng vô bếp lấy thức ăn, ăn bao nhiêu cũng được. Cơ mà tôi không hợp với đồ ăn ở đây cho lắm, nhiều dầu mỡ mà lại toàn thịt không à. Nhưng mà trải nghiệm văn hóa ở một lễ hội như vậy quả thật là mới lạ đối với tôi. Ăn xong tôi và vài cô bạn của tôi được bạn chủ nhà dẫn đi thăm thú xung quanh.
Đến chiều, chúng tôi cũng lại bắt xe bus đến Dumaguete lần nữa. Lần này chúng tôi thử đồ ăn ở 1 nhà hàng kiểu Tây Ban Nha và đi dạo dọc bờ biển. Cô bạn người Hàn của tôi cũng là lần đầu tiên thử trứng vịt lộn ở đây. Nhìn cô nhen nhó, khổ sở để nuốt balut làm tôi buồn cười quá chừng. Tôi nghĩ nếu mà tôi không phải người VN, chưa từng ăn balut bao giờ thì chắc tôi cũng không dám thử đâu.
Đến ngày hôm sau, chúng tôi được dự lễ tân gia của một gia đình sát bên nhà chúng tôi đang ở. Đó là nhà của người họ hàng của cô bạn giáo viên của tôi. Vào dịp lễ tân gia, họ sẽ mời linh mục đến đễ làm phép và cầu nguyện bình an cho ngôi nhà. Trong khi thầy linh mục đang làm phép thì khách đến nhà sẽ cầm trên tay một cây nến và đứng xung quanh, xong xuôi hết thì mới được thổi tắt nến đi.
Sau màn nghi lễ, chúng tôi được thưởng thức đồ ăn do chủ nhà chuẩn bị. Lần này tôi được thử món lợn quay Lechon ngon ơi là ngon.
Ăn uống chè chén no say, chúng tôi lên đường trở về Cebu. Kết thúc 2 ngày cuối tuần ăn uống ngập mặt. Thật sự mấy ngày sau đó nhìn tới thịt, tôi vẫn còn ngán đến tận cổ.
Leave a Reply